Sơn Trà - Những trải nghiệm mới mẻ

Updated : 2015/04/01


Bài viết của sinh viên Thanh Thảo, lớp 12CNQTH01 - Khoa Quốc tế học.

SƠN TRÀ - NHỮNG TRẢI NGHIỆM MỚI MẺ
 
          Đó là một Chủ nhật được chờ đợi, chúng tôi theo đoàn hành trình Green Viet khám phá vùng núi thuộc bán đảo Sơn Trà thơ mộng của thành phố Đà Nẵng. Sau khi tập trung đông đủ, anh trưởng đoàn đưa chúng tôi đi “chinh phục đỉnh cao”. Hành trình bằng xe máy, nên lúc đầu tôi cứ đinh ninh “Khu bảo tồn thiên nhiên” chỉ nằm đâu đây giữa lưng chừng núi. Nhưng càng lên càng cao, con đường phía trước càng như mất hút trong tầm mắt, có những đoạn ngoằn nghoèo như chữ S làm cho tôi phải nín thở.
        Khi đứng trên đỉnh núi bát ngát gió, nhìn xuống, tôi sững sờ trước vẻ đẹp của trời mây, sông nước, sơn thủy hữu tình với thành phố xinh xắn. Bầu trời trong xanh như mắt ai đang mùa hạnh phúc, làn mây trắng bồng bềnh ôm những ngọn núi sừng sững, tưởng như đã ngàn năm cô đơn nếu không có những đoàn người như chúng tôi đến bầu bạn. Một anh trong đoàn vui miệng bảo: “Cảnh này thật giống trong phim Tây Du Ký”. Thật vậy, tôi ước một lần mình có được phép thần thông biến hóa, để đi trên những làn mây trắng đó, hay ít nhất tay đủ dài để nắm lấy chúng, cảm nhận nó tan ra trong từng thớ thịt. Phía dưới, thành phố với những cây cầu bắc ngang dòng sông Hàn như những chiếc nơ dịu dàng cài ngang một dải lụa mượt mà, với những tòa nhà cao tầng, với những con đường người xe tấp nập, với làng chài thanh bình chạy dọc một vùng biển xanh như ngọc.
         Vào rừng, chúng tôi thả bộ đi “tìm” loài Vooc chà vá chân nâu, một loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao, Việt Nam là một trong ba quốc gia còn gìn giữ được. Như anh trưởng đoàn nói, mục đích của hành trình này là tìm hiểu, để tuyên truyền và cùng nhau bảo vệ sự sống của nó. Loài Vooc này thoạt nhìn giống khỉ, nhưng đuôi rất dài và có nhiều màu, thế nên người dân địa phương ở đây gọi nó là khỉ bảy màu. Trên đường đi, tôi như bị hút vào cảnh vật bên đường. Rừng xanh um lá, nắng vàng vọt, từng giọt long lanh rơi khiến những nhiếp ảnh gia nghiệp dư không bỏ qua cơ hội chộp lấy từng khoảnh khắc. Vào sâu thêm, tôi bất ngờ vì sương mù giăng kín lối vào cuối xuân. Chợt, chúng tôi nhớ đến những câu thơ giàu cảm xúc của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Thu ơi ta biết nói thế nào - Sương mỏng thế ai mà bình tĩnh được”. Ở đây, sương không mỏng mà dày, thu hẹp tầm nhìn lại chỉ còn trong phạm vi 10m, cũng  làm cho chúng tôi “không bình tĩnh được” như nhà thơ năm nào đón thu sang.
         Hành trình của chúng tôi tiếp tục với điểm đến thứ hai là “Đỉnh Bàn Cờ”. Trời về chiều, không khí có vẻ dịu xuống đôi chút, ai cũng thấm mệt, bước chân có phần nặng nề hơn, song nụ cười trên môi vẫn không ngơi rạng rỡ. Bỗng nhớ đến những người lính năm xưa hành quân đêm ngày không mỏi mệt, chiến đấu gian khổ với bệnh tật giữa rừng, lòng chúng tôi dâng lên một niềm biết ơn và quyết tâm mạnh mẽ.
          Điểm tiếp theo mà chúng tôi đến là cây đa đại thụ, cũng là một điểm du lịch được du khách thường xuyên lui tới. Cây đa một ngàn năm tuổi với một cái rễ thôi, hai người ôm cũng chưa hết. Cây đa đứng đó như một lời thách thức với thời tiết khắc nghiệt cũng như giông bão hằng năm vẫn đổ bộ vào dải đất miền Trung này. Lên dốc rồi lại thả dốc, đường nối đường dẫn chúng tôi vòng quanh hết ngọn núi này đến ngọn núi khác. Một bên là núi, một bên là biển, tôi khẽ rùng mình khi tưởng tượng cảnh ai đó không cẩn thận lao ra khỏi đường mòn, vừa thầm thán phục sự hùng vĩ của thiên nhiên.
          Chuyến đi kết thúc khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Rừng xanh, biển xanh, trời xanh, và hành trình xanh gợi lên thật nhiều suy nghĩ cho lứa tuổi xanh của đất nước là chúng tôi. Chúng tôi đã có thêm hiểu biết về loài động vật quý; đang cần chúng tôi chung tay bảo vệ, có thêm lòng yêu thiên nhiên hoang dã, có thêm những nụ cười thân thiện của những người bạn đồng hành lúc đầu rất xa lạ,…
          Nếu ai đó một lần đến Đà Nẵng thì đừng quên đặt chân đến Sơn Trà, để trải lòng với thiên nhiên và lắng nghe hơi thở của đại ngàn xanh thẳm.
 
Ngày 2 tháng 3 năm 2014
Thanh Thảo - 12CNQTH01